Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

 
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:     
1. Quan điểm
a) Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình;
b) Áp dụng BIM phải theo lộ trình thích hợp, có giai đoạn thí điểm, tổng kết đánh giá trước khi áp dụng rộng rãi;
c) Các tổ chức, cá nhân tham gia áp dụng BIM được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ và pháp luật khác có liên quan;
d) Tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
2. Mục tiêu
a) Thông qua việc áp dụng BIM hướng tới mục tiêu thực hiện tiết kiệm ít nhất 30% về chi phí quy đổi tổng hợp từ các chủ thể có liên quan thực hiện áp dụng BIM, tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Trong đó:
- Chi phí xây dựng tiết kiệm khoảng 10% (trong đó giảm lãng phí về vật liệu xây dựng khoảng 20%);
- Giảm thời gian thi công xây dựng khoảng 10% so với tiến độ được phê duyệt;
- Giảm thời gian thiết kế, điều chỉnh thiết kế khoảng 10%;
- Giảm các yêu cầu sửa đổi do sự không phù hợp của thiết kế khoảng 40%.
b) Xây dựng hành lang pháp lý và tạo sự đồng thuận trong xã hội tiến tới áp dụng BIM một cách rộng rãi.
Theo Đề án, từ năm 2017 đến 2019 chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM. Từ năm 2018 đến 2020 triển khai áp dụng thí điểm tại một số công trình, trong đó áp dụng BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cho tối thiểu 20 công trình xây dựng mới thuộc các loại khác nhau từ cấp I trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác (trên cơ sở tự nguyện); Áp dụng BIM trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho tối thiểu 10 công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước; Tổ chức đánh giá cụ thể tình hình áp dụng BIM trên cơ sở áp dụng thí điểm nêu trên và hoàn thành các bước công việc để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình từ năm 2021. Từ năm 2021 trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư, Hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Nguồn kinh phí triển khai từ ngân sách nhà nước cấp phù hợp với nhiệm vụ, công việc trong từng giai đoạn thực hiện Đề án theo đề nghị Bộ Xây dựng. Chi phí thực hiện BIM đối với các dự án đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm và các dự án áp dụng rộng rãi theo lộ trình được duyệt được tính trong tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò của BIM đối với các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng trên địa bàn; Đề xuất, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp danh sách công trình áp dụng BIM theo lộ trình quy định; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho việc áp dụng BIM theo lộ trình quy định; Chỉ đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổng hợp, đánh giá tình hình áp dụng BIM trên địa bàn báo cáo Bộ Xây dựng tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ triển khai Đề án thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Quyết định 2500/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Nội dung Quyết định số 2500/QĐ-TTg có thể xem và tải về từ Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng (phần Văn bản chính sách- Văn bản Luật, Văn bản của Chính phủ).


Theo: Quyết định số 2500/QĐ-TTg

Nguồn từ: http://soxaydung.bacgiang.gov.vn