MẸO NHỎ CHỌN MÀU SẮC CHO NHÀ BẠN

Màu sắc ít nhiều thể hiện tâm tư, tình cảm, tính cách của người thiết kế và chủ nhân. Màu sắc chỉ đẹp khi được phối hợp hài hoà trong một không gian nhất định. Ngoài ra, tông màu (nóng, lạnh, trung tính) và tỷ lệ phối màu còn có thể làm bật chủ đề của nội thất.
Màu sắc còn tác động, làm thay đổi cảm xúc, trạng thái tâm lý của chủ nhân trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, sử dụng và phối màu một phần nào có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn, thành công và yêu đời hơn.
Sử dụng màu
Nhà ở là không gian chủ yếu phục vụ nghỉ ngơi, thư giãn nên màu sắc sử dụng thường là màu sáng, sắc nhẹ nhàng, nhã nhặn cho các mặt tường phòng (trần, tường, sàn, cửa, vách ngăn), vật liệu ốp lát, phân mảng trang trí... Có thể điểm xuyết không gian bằng một số thủ pháp (nhấn màu, tạo các mảng trang trí, chi tiết mỹ nghệ...) tạo thêm sinh động. Có thể lợi dụng màu sắc để khắc phục một số nhược điểm trong nhà. Màu ấm (thiên về đỏ) kích thích hoạt động. Kết hợp nhiều màu tương phản có tính bất ngờ, gây hưng phấn.
Màu nóng giúp cho đồ đạc trở nên lớn hơn màu lạnh. Khoảng cách giữa người và vật sẽ gia tăng nếu dùng màu lạnh và ngược lại. Tường, trần sơn trắng khiến ngôi nhà có vẻ rộng rãi hơn khi sử dụng gạch đỏ hoặc gỗ nâu. Các màu lạnh làm cho đường phân giới vật - cảnh sắc nét hơn màu nóng.
Phòng quá dài có thể làm cho ngắn bớt và rộng ra bằng cách sơn bức tường phía trong màu đậm hơn so với tường hai bên. Nền nhà lát gạch có chân tường cùng màu với nền cũng có tác dụng “đẩy" các vách tường ra xa hơn một chút. Phòng vuông vức nên sơn màu của một hoặc hai bức tường khác màu của hai tường kia hoặc kết hợp đồng màu của một tường với màu trần hay sàn để phòng như được rộng ra. Nếu phòng có cửa rộng, ánh sáng nhiều có thể dùng màu tạo sự tương phản.
Sự tương thích không gian
Phòng hướng đông, tây nên dùng màu lạnh để sức nóng giảm, trong khi phòng hướng bắc và nam dùng màu nóng và ấm.
Ngoài ra, việc sắm những thiết bị nội thất như bàn, ghế, gường, tủ,... cũng phải quan tâm đến sự hài hoà với tính chất của từng phòng. Chi tiết mỹ nghệ trang trí phải tương hợp với vị trí, kích thước, chất liệu của vật trang trí. Ví dụ: trong phòng khách những tông màu lục, cam, vàng nhạt sẽ làm nổi bật lên; những bức tranh treo tường, màu rèm cửa nên đậm hơn một tông so với màu tường. Bàn ghế cố thể mang màu nâu, cà phê hay màu xanh lá đậm. Ngoài ra, có thể điểm thêm một vài đồ đạc trang trí nhỏ như chậu hoa, tượng... với những màu gần như nguyên gốc không pha phối.
Phòng bếp có thể chọn tường màu vàng chanh,vàng cam, xám xanh nhạt, màu gạch nhưng đừng kết hợp quá nhiều màu. Cần chú ý phối màu với tủ bếp, gạch men ốp tường.